Đền Cuông được kiến trúc theo kiểu chữ “Tam”. Tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa có ba lầu, chằng chịt rễ cây si đeo bám khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình của đền đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chãi nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được chạm đắp tinh tế mà lại toát lên vẻ đẹp thanh thoát.
Thượng điện đặt bàn thờ Thục An Dương Vương. Qua khoảng sân hẹp sang điện đặt bàn thờ Cao Lỗ – vị tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền có nhiều di vật quý như tượng thờ, đồ tế khí, trống chiêng… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng Hán tự trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu như nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức vua Thục.
Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước – nơi có ngôi mộ công chúa Mỵ Châu. Từ đền Cuông nhìn về hướng Tây là núi Mụa có dáng voi phục, đăm đắm chầu về đền. Tục truyền ở trên núi này có hơn 50 tướng sĩ của vua Thục trong bước đường cùng đã tuẫn tiết ở đây. Bên phải núi Mụa là núi Bạc có dáng hình con Kim Qui (rùa vàng) đang nằm im, mơ màng nhìn về đền Cuông như nhớ về một thời oanh liệt của quá khứ. Xa hơn núi Mụa là làng Nho Lâm, nơi có lò rèn nổi tiếng của Lư Cao Sơn – một tướng lĩnh của Thục An Dương Vương. Dưới chân núi Mộ Dạ, nằm ở hướng Tây, có dòng kinh lịch sử do vua Lê Đại Hành đào, ngày nay cũng đã ngót ngàn năm.
Những lúc đẹp trời, nếu đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phương mới thấy được hết những điều kỳ thú của một vùng non xanh nước biếc hữu tình